Một ông thầy mà không dạy cho học trò được việc ham muốn học tập thì chỉ là đập búa trên sắt nguội mà thôi "

Phòng GD&ĐT Hương Thủy

Cập nhật lúc : 09:27 19/02/2020  

Thực thi quy định pháp luật về biển, đảo


Biển Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa cùng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hình dáng phần đất liền của Việt Nam hẹp chiều ngang và trải dài uốn lượn theo bờ biển. Vì vậy, toàn bộ lãnh thổ đất liền của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của biển, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Đảng “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đến nay chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo. Nhờ đó đã tạo ra sự bứt phá trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường các vùng biển, đảo.

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

 Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có hàng loạt văn bản nhằm khuyến khích đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển và hải đảo. Tháng 3-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển theo phương thức quản lý tổng hợp dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Ngày 26-11-2014, Luật Đầu tư được Quốc hội ban hành. Theo đó, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển thuộc đối tượng được ưu đãi đầu tư. Các vùng hải đảo cũng được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù trong phát triển kinh tế. Đó là chính sách hỗ trợ ngư dân, dân bãi ngang ven biển, dân sinh sống trên các hải đảo và người lao động làm việc trên biển và hải đảo. Các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về biển của Việt Nam. Những chính sách đó đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa; vừa phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ biển, đảo. 

Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam; năm 2015 thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo. Việc Quốc hội thông qua các bộ luật về biển, đảo là hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến biển và hải đảo của đất nước. Việt Nam hiện đã có các văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý về các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của đất nước. Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo nhằm phục vụ việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, 2 đạo luật này có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối ngoại trên lĩnh vực biển, hải đảo.

THỰC THI QUẢN LÝ BIỂN, ĐẢO

Quản lý nhà nước về biển đảo là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thành lập năm 2008, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, đến nay đã có 26 địa phương thành lập chi cục biển và hải đảo trực thuộc sở tài nguyên và môi trường, số còn lại được tổ chức thành các phòng biển và hải đảo, hoặc nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo được lồng ghép vào các phòng chuyên môn khác thuộc sở tài nguyên và môi trường. Hệ thống các cơ quan quản lý về biển từ Trung ương đến địa phương đã hoạt động bước đầu phát huy vai trò quản lý tổng hợp về tài nguyên và môi trường biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được kiện toàn về tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức thực hiện công tác quản lý về biển và hải đảo. Tổng cục tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, tổ chức thực thi các văn bản pháp luật; xúc tiến hoạt động hợp tác quốc tế về biển; tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo. 

Thường xuyên thực thi pháp luật trên biển gồm có các lực lượng đóng vai trò nòng cốt là: hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và bộ đội biên phòng. Ngoài ra, còn có sự tham gia của hải quan, công an và các lực lượng thực thi pháp luật khác ở các khu vực cảng, vùng ven biển và trên các đảo. Các lực lượng này còn tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển; phòng, chống thiên tai trên đảo và vùng ven biển. Những năm qua, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển; bảo đảm an ninh, an toàn, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế biển ngày càng phát triển.

Biển, đảo là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia Việt Nam, là không gian sinh tồn và điều kiện vật chất để xây dựng, phát triển đất nước. Biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Do đó, quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa là bảo vệ không gian lãnh thổ, lợi ích mọi mặt mà còn bảo vệ chế độ, Nhà nước và cuộc sống của nhân dân. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Số lượt xem : 132