Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới ''

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Cập nhật lúc : 17:07 28/07/2022  

Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế


Ngày 19 tháng 7 năm 2022 Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh với những nội dung như sau:

Trong những năm qua, cấp ủy đảng các cấp thường xuyên quan tâm  lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành; công tác tiếp dân, đối thoại; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân được chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhận thức và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được nâng lên.

 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có nơi việc thực hiện dân chủ vẫn còn mang tính hình thức. Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân chưa đầy đủ. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở chưa được quan tâm chú trọng.

 

Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể sau:

 

1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015, Nghị định 145/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ; Chỉ thị 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Cụ thể hóa, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

 

2. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ, thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở liên quan đến đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất ổn định chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

 

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, gắn việc thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

 

4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo tinh thần “Kiến tạo” và “Phục vụ”; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng; tạo điều kiện để phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở, trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Quyết định 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư.

 

5. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo điều kiện để hội viên, đoàn viên và nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động tự quản ở địa bàn dân cư, tổ hòa giải cơ sở.

 

6. Cấp ủy đảng, tổ chức đảng các cấp thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên ban chỉ đạo; xây dựng chương trình công tác, giao ban định kỳ, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

7. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị mình.

 

Nội dung chi tiết trong file đính kèm.

Số lượt xem : 1